Trong những năm gần đây, các dòng laptop gaming phổ thông của Gigabyte như G5 hay G6 thường được biết đến với cấu hình tốt trong tầm giá, nhưng lại chưa thực sự gây ấn tượng mạnh về thiết kế và đặc biệt là khả năng tản nhiệt. Tuy nhiên, với sự ra mắt của Gigabyte Gaming A16, điều này dường như đã thay đổi. Sản phẩm vẫn đi kèm hiệu năng tốt, trong khi đã cải thiện được những điểm yếu về thiết kế hay tản nhiệt.

Gigabyte Gaming A16
Ngay từ cái nhìn đầu tiên, Gigabyte Gaming A16 đã cho thấy một sự thay đổi hoàn toàn trong ngôn ngữ thiết kế. Thay vì những đường cắt gọt mạnh mẽ, “hầm hố” của thế hệ trước, mặt lưng của A16 giờ đây được làm phẳng, tối giản và cực kỳ hiện đại.

Logo Gigabyte không còn là dạng sơn thông thường mà là một chi tiết kim loại riêng biệt, có độ bóng và óng ánh nhẹ, góp phần tạo nên một vẻ ngoài cao cấp và lịch sự hơn hẳn. Dù toàn bộ thân máy vẫn được làm từ nhựa, bề mặt đã được phủ một lớp nhám nhẹ, mang lại cảm giác chạm rất giống kim loại và đặc biệt là không bám quá nhiều dấu vân tay.

Bản lề nhựa ở hai bên trên Gigabyte Gaming A16 đã được thay thế bằng một cụm bản lề kim loại duy nhất đặt sâu vào bên trong, giúp kết cấu máy trở nên cực kỳ bền bỉ và chắc chắn. Thêm vào đó, bốn cạnh viền màn hình đã được làm mỏng đồng đều, loại bỏ hoàn toàn phần “cằm” dày cộp, giúp không gian hiển thị trở nên rộng rãi và cuốn hút hơn.

Về màn hình, Gigabyte Gaming A16 sở hữu loạt thông số tiêu chuẩn trong phân khúc. Máy trang bị tấm nền IPS, kích thước 16 inch và tần số quét lên tới 165Hz. Thêm vào đó, tỷ lệ màn hình 16:10 cùng độ phân giải Full HD+ (1920 x 1200 pixels) cũng giúp tăng không gian hiển thị theo chiều dọc, tối ưu hơn cho cả công việc và giải trí.

Một điểm cộng rất lớn của màn hình Gigabyte Gaming A16 là độ sáng tối đa lên tới 370 nits, một con số rất cao so với các đối thủ, giúp người dùng có thể làm việc hay chơi game thoải mái ngay cả trong môi trường có ánh sáng mạnh.

Về hiệu năng, phiên bản Gigabyte Gaming A16 mình trên tay đang chạy con chip Intel Core i7-13620H và card đồ họa NVIDIA RTX 4050 6GB VRAM. Thử nghiệm với ứng dụng Furmark, card đồ hoạ này có thể đẩy tối đa công suất khoảng 75W. Con số này là đủ để có thể “cân” mượt mà hầu hết các tựa game hiện nay ở mức cài đặt đồ họa từ trung bình đến cao, cũng như phục vụ tốt cho các công việc sáng tạo như edit video hay thiết kế.

Bên trong Gigabyte Gaming A16 được trang bị 2 quạt lớn, 4 ống đồng tản nhiệt. Tuy nhiên, có một điểm trừ nhỏ là phần lỗ tản nhiệt được đặt ở cạnh bên phải, có thể gây khó chịu với những ai có thói quen dùng chuột ở tư thế cao.
Ngoài ra, Gigabyte Gaming A16 đã loại bỏ cụm phím số, đưa bàn phím vào vị trí chính giữa, khắc phục hoàn toàn tình trạng lệch layout khó chịu trên các dòng sản phẩm cũ. Touchpad có kích thước rất lớn, bề mặt mịn và được đặt cân đối, mang lại trải nghiệm di chuột thoải mái.

Về cổng kết nối, Gigabyte Gaming A16 được trang bị cực kỳ đầy đủ, đáp ứng mọi nhu cầu của người dùng. Máy có tới 3 cổng USB-A, 1 cổng Type-C (hỗ trợ xuất hình và sạc), cổng mạng LAN, HDMI 2.1 và jack cắm tai nghe 3.5mm. Sự đa dạng này giúp người dùng có thể dễ dàng kết nối với nhiều thiết bị ngoại vi cùng lúc mà không cần đến hub chuyển đổi.
Gigabyte Gaming A16 đã thay thế Gigabyte Control Center cũ bằng một phần mềm điều khiển hoàn toàn mới mang tên GiMATE. Giao diện của GiMATE được làm lại tinh giản, hiện đại và dễ sử dụng hơn rất nhiều, cho phép người dùng dễ dàng tùy chỉnh các chế độ hiệu năng, tốc độ quạt và cập nhật hệ thống.

Khả năng nâng cấp của A16 cũng rất tốt với hai khe RAM DDR5 (hỗ trợ tối đa 64GB) và hai khe cắm SSD (hỗ trợ tối đa 4TB), đảm bảo người dùng có thể sử dụng máy một cách thoải mái trong nhiều năm. Về pin, viên pin 76 Wh cho thời lượng sử dụng các tác vụ cơ bản khoảng hơn 4 tiếng, một con số khá tốt đối với một chiếc laptop gaming.

Nhìn chung, Gigabyte Gaming A16 mang đến một lựa chọn khá hấp dẫn trong phân khúc laptop gaming giá 25 triệu đồng. Với một thiết kế tinh tế hơn, hiệu năng mạnh mẽ, và đặc biệt là một hệ thống tản nhiệt quá đỗi mát mẻ, sản phẩm đã khắc phục gần như toàn bộ những điểm yếu của thế hệ trước.
Comments