Vật Vờ Đánh giá

Đánh giá Xiaomi Mi 10: Flagship Xiaomi sau 5 năm vẫn còn ngon!

0

Có thể xem giai đoạn 2018 – 2020 là một thời kỳ vàng son của các dòng flagship Xiaomi, nơi hãng liên tục tạo ra những sản phẩm đột phá, hấp dẫn với người dùng. Sau hai thế hệ Mi 8 và Mi 9, Xiaomi Mi 10 ra mắt vào năm 2020 đã thực sự tạo ra một bước nhảy vọt, không chỉ về mặt trang bị phần cứng mà còn về cả định vị sản phẩm, tiệm cận hơn với phân khúc cao cấp.

Năm năm đã trôi qua, một khoảng thời gian đủ dài để một huyền thoại công nghệ trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết. Ở thời điểm hiện tại, năm 2025, người dùng có thể lựa chọn một chiếc Xiaomi Mi 10 đã qua sử dụng với mức giá chỉ trên dưới 3,5 triệu đồng. Liệu với mức giá của một chiếc máy tầm trung giá rẻ, những giá trị cốt lõi của một flagship năm nào có còn đủ sức hấp dẫn?

Thiết kế và cảm giác cầm nắm

Cảm giác đầu tiên khi cầm trên tay Xiaomi Mi 10 là một thiết kế rất đặc trưng của smartphone Xiaomi những năm 2020: “bầu bĩnh” và có cảm giác “mập”. Là một người đang sử dụng Xiaomi Mi 10S, cảm giác cầm nắm hay thiết kế của hai thiết bị là vô cùng giống nhau. Điểm chung của cả hai là dù đã ra mắt lâu, trải nghiệm cầm nắm mang lại vẫn cực kỳ thoải mái và cao cấp.

Xiaomi đã hoàn thiện chiếc máy này rất tốt, với các góc máy và phần tiếp giáp giữa khung viền kim loại và mặt lưng kính được bo cong mạnh. Thiết kế này tuy có phần hơi “nữ tính” nhưng lại mang đến một trải nghiệm cầm nắm rất thoải mái, chắc chắn và gọn gàng. Máy bám rất chắc vào lòng bàn tay, cho phép mình có thể thao tác ở nhiều tư thế khác nhau mà không hề cảm thấy khó chịu hay cấn tay.

Các phiên bản màu sắc của Xiaomi Mi 10 cũng là một điểm nhấn, đặc biệt là các tông màu có hiệu ứng gradient nhẹ nhàng. Phiên bản màu Xanh Dương trên tay mình có mặt lưng kính bóng, có khả năng phản chiếu ánh sáng tựa như một tấm gương. Tuy nhiên, không phải không có sự đánh đổi: bề mặt máy vô cùng dễ bám dấu vân tay và mồ hôi, đòi hỏi người dùng phải thường xuyên lau chùi để giữ được vẻ ngoài sạch sẽ.

Một điểm trừ nhỏ khác về độ hoàn thiện trên Xiaomi Mi 10 là cổng sạc USB-C có thể bị lệch nhẹ, không hoàn toàn cân đối với cụm loa và khe SIM. Dù vậy, việc máy vẫn hỗ trợ 2 SIM vật lý và kết nối 5G là một điểm cộng rất lớn trong tầm giá 3 triệu đồng.

Màn hình và Loa

Chất lượng hiển thị là một trong những yếu tố cho thấy giá trị bền bỉ của một chiếc flagship. Sau 5 năm, màn hình của Xiaomi Mi 10 vẫn rất đẹp và có thể làm hài lòng ngay những người dùng khó tính. Về thông số, máy được trang bị tấm nền Super AMOLED kích thước 6,67 inch, độ phân giải Full HD+ và tần số quét 90Hz. Tấm nền này cho màu sắc hiển thị rực rỡ, chi tiết tốt, màu đen sâu và độ sáng đủ dùng cho hầu hết các điều kiện sử dụng.

Thiết kế màn hình cong tràn sang hai bên cũng là một đặc điểm cao cấp, mang lại hiệu ứng thị giác ấn tượng và cảm giác vuốt chạm từ cạnh vào rất mượt mà. Có thể khẳng định rằng, chất lượng màn hình của một chiếc flagship 5 năm tuổi vẫn đủ sức vượt qua nhiều mẫu máy tầm trung đời mới, và chỉ bộc lộ sự khác biệt khi đặt cạnh một chiếc flagship cao cấp nhất hiện nay.

Tuy nhiên, trái ngược với màn hình xuất sắc, hệ thống loa trên Xiaomi Mi 10 chỉ dừng lại ở mức trung bình. Dù là hệ thống loa kép stereo với âm lượng cân bằng giữa hai loa trên dưới, chất lượng âm thanh lại có phần thiếu ấn tượng. Loa vẫn có bass, đủ để nghe các thể loại nhạc sôi động, nhưng tổng thể âm thanh thiếu đi sự trong trẻo và chi tiết. Tất nhiên, với một chiếc điện thoại hiện chỉ có giá 3 triệu đồng, người dùng khó có thể kỳ vọng nhiều hơn.

Hiệu năng và phần mềm

Là một thiết bị đã ngừng hỗ trợ phần mềm chính thức, trải nghiệm trên Xiaomi Mi 10 phụ thuộc rất nhiều vào các bản ROM tùy biến từ cộng đồng. Phiên bản mình đang trải nghiệm chạy một bản ROM HyperOS quốc tế dựa trên nền Android 13. Ưu điểm của bản ROM này đến từ sự tiện lợi khi có sẵn Tiếng Việt và các dịch vụ Google.

Tuy nhiên, so với bản ROM gốc nội địa, người dùng sẽ phải đánh đổi về trải nghiệm sử dụng. Trong quá trình trải nghiệm, mình có thể cảm nhận hiện tượng giật, khựng nhẹ xảy ra khi mở ứng dụng hoặc chuyển đổi đa nhiệm.

Mặc dù vậy, sức mạnh phần cứng của Xiaomi Mi 10 vẫn là một điểm sáng không thể phủ nhận. Con chip Qualcomm Snapdragon 865 vẫn còn rất mạnh mẽ trong tầm giá 3 triệu đồng. Nó dễ dàng xử lý mọi tác vụ hàng ngày một cách trơn tru và được dự đoán vẫn có thể đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng trong vòng 2-3 năm tới.

Về khả năng chơi game, mình có thử nghiệm với hai tựa game gồm LMHT: Tốc Chiến và PUBG Mobile. Với LMHT: Tốc Chiến, máu có thể chơi khá tốt ở mức đồ họa Trung bình và 90 FPS, với FPS trung bình là 75,2. Trải nghiệm chơi game khá tốt, dù vẫn có những khoảng giật lag nhẹ trong các pha giao tranh tổng.

Biểu đồ FPS trên Xiaomi Mi 10 khi chơi LMHT: Tốc Chiến (Trung bình + 90FPS)

Chuyển sang PUBG Mobile, máy có thể cài đặt ở mức Mượt + 90 FPS, nhưng trong thực tế chỉ đạt tối đa 60 FPS. Bù lại, trải nghiệm cực kỳ ổn định, biểu đồ FPS gần như là một đường thẳng. Nhìn chung, nếu chỉ có nhu cầu chơi các tựa game từ nhẹ đến trung bình, Xiaomi Mi 10 với Snapdragon 865 vẫn đảm bảo được hiệu năng tốt, đủ dùng trong thời gian tới.

Biểu đồ FPS trên Xiaomi Mi 10 khi chơi PUBG Mobile (Mượt + 90FPS)

Camera

Xiaomi Mi 10 được trang bị một hệ thống camera rất ấn tượng vào thời điểm ra mắt, với cảm biến chính lên tới 108MP, khẩu độ f/1.7 và hỗ trợ chống rung quang học OIS. Đi kèm là camera góc siêu rộng 13MP và hai camera phụ 2MP cho macro và đo độ sâu.

Trong điều kiện đủ sáng, chất lượng ảnh chụp từ camera chính vẫn rất tốt. Ảnh cho ra có chi tiết cao, màu sắc có xu hướng ám tím nhẹ đặc trưng của Xiaomi. Khả năng zoom kỹ thuật số 2X cho chất lượng ở mức chấp nhận được, vẫn giữ được các chi tiết ở khoảng cách xa.

Tuy nhiên, những giới hạn của một cảm biến đã 5 năm tuổi bắt đầu bộc lộ rõ trong điều kiện chụp đêm. Khi chụp cảnh đường phố vào buổi tối, máy gặp vấn đề trong việc xử lý các vật thể chuyển động như xe cộ, dễ gây ra hiện tượng mờ nhòe, có thể do tốc độ màn trập chậm. Các chi tiết trong vùng tối cũng dễ bị nhiễu hạt. Việc bật chế độ chụp đêm chuyên dụng có thể phần nào khắc phục được vấn đề này.

Về khả năng quay video, việc hỗ trợ độ phân giải lên tới 8K vẫn là một thông số ấn tượng, dù tính thực tiễn không cao.

Pin và sạc

Xiaomi Mi 10 được trang bị viên pin có dung lượng 4.780 mAh. Nhờ sự tối ưu của các bản ROM tùy biến, thời lượng sử dụng thực tế của máy rất tốt. Mình có thử nghiệm máy với tác vụ xem YouTube và TikTok trong 1 giờ đồng hồ. Kết quả, với YouTube, máy chỉ tiêu thụ 8% pin và với một giờ lướt TikTok con số cũng chỉ dao động trong khoảng 9%.

Xiaomi Mi 10 hỗ trợ sạc nhanh có dây 30W, đi kèm sạc không dây 30W và cả sạc ngược không dây 5W cho các thiết bị khác. Đây là những tính năng cao cấp mà ngay cả nhiều smartphone hiện đại cũng không có được, mang lại sự tiện lợi rất lớn cho người dùng.

Tạm kết: Xiaomi Mi 10

Tóm lại, sau 5 năm ra mắt, Xiaomi Mi 10 vẫn thể hiện được nhiều yếu tố hấp dẫn của một chiếc flagship đời cũ. Với mức giá chỉ hơn 3 triệu đồng, người dùng nhận được một thiết bị có hiệu năng Snapdragon 865 vẫn rất mạnh mẽ, một màn hình Super AMOLED cong 90Hz chất lượng cao, một camera chính 108MP đa dụng. Dù vẫn tồn tại những nhược điểm như loa ngoài chỉ ở mức trung bình hay sự ổn định của phần mềm phụ thuộc vào cộng đồng, Xiaomi Mi 10 vẫn là một lựa chọn cực kỳ đáng đồng tiền, một minh chứng cho thấy giá trị của một chiếc flagship thực thụ có thể bền bỉ như thế nào theo thời gian.

Đặt mua Xiaomi Mi 10 tại các đường dẫn bên dưới.

Xiaomi Mi 10

Trên tay OnePlus Ace 5 Pro: 10 triệu đã có điện thoại chạy Snapdragon 8 Elite, màn hình 4.500 nits và pin 6.100mAh

Previous article

Nhìn lại iPhone 15 sau 2 năm: Còn đáng mua với giá 15 triệu chính hãng?

Next article

Comments

Comments are closed.