Vật Vờ Đánh giá

Trải nghiệm trực tiếp điện thoại cuộn LG Rollable: Màn hình cuộn mở đỉnh như phim viễn tưởng, tiếc là không được ra mắt

0

LG Rollable là một chiếc điện thoại thông minh của LG, lần đầu trình làng tại sự kiện CES 2021. Đúng như tên gọi, yếu tố tạo nên “cơn sốt” của chiếc máy này đến từ màn hình có thể cuộn, cho phép mở rộng kích thước hiển thị một cách liền mạch. Dù gây được tiếng vang lớn vào đầu năm 2021, chiếc điện thoại này đã không bao giờ được chính thức ra mắt thương mại do LG quyết định rút lui khỏi thị trường smartphone.

Hiện tại, mình đã có cơ hội trải nghiệm chiếc smartphone độc đáo này đến từ LG. Dù chỉ là phiên bản thử nghiệm, nhưng những gì mà LG Rollable đem đến thực sự khiến mình đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Rõ ràng, trong thị trường mà cả điện thoại dạng thanh và dạng gập đều không có nhiều bứt phá thời gian qua, việc được trải nghiệm LG Rollable thật sự mang đến quá nhiều điều mới mẻ, thú vị.

Trong bài viết này, chiếc LG Rollable được mình trải nghiệm đã có một vết sọc trắng khá lớn ở chính giữa màn hình. Có lẽ do sản phẩm đã được trình diễn từ lâu (2021), kết hợp việc cuộn mở nhiều lần và độ bền chưa cao của hệ thống xoay mở khiến cho màn hình dễ gặp phải sự cố, gây ra lỗi sọc màn hình.

Cảm nhận về màn hình cuộn trên LG Rollable

Khi mới trên tay và thử cuộn mở màn hình LG Rollable, “trầm trồ” và “choáng ngợp” là những cảm xúc tức thời của mình. Thành thật mà nói, trong quá trình trải nghiệm chiếc điện thoại màn hình cuộn này, mình đã không ít lần phải “wow” về cả cơ chế cuộn mở lẫn khả năng tối ưu giao diện trên chiếc điện thoại này.

Cơ chế cuộn mở trên LG Rollable làm mình nhớ đến những bộ phim khoa học viễn tưởng. Khi kích hoạt, motor bên trong bắt đầu hoạt động, cuộn một phần màn hình phía sau để màn hình phía trước mở rộng ra. Nhìn cách màn hình phía trước từ từ mở rộng, kết hợp tiếng motor “két két” và cả hiệu ứng âm thanh “vũ trụ” từ hệ thống, LG Rollable tạo cho mình cảm giác như đang sử dụng một chiếc smartphone đến từ tương lai.

Hiệu ứng âm thanh khi cuộn – đóng màn hình tạo cảm giác như phim viễn tưởng

Mình có thể mở rộng / thu hẹp màn hình trên LG Rollable theo ba cách khác nhau: nhấn giữ vào phím nguồn phía sau mặt lưng / nhấn vào biểu tượng trên thanh phím tắt nhanh / vuốt ba ngón tay theo chiều ngang. Dù cho kích hoạt bằng cách nào, việc thấy màn hình được cuộn một cách liền mạch cùng tiếng motor hoạt động là trải nghiệm vô cùng thú vị.

Ở trạng thái bình thường, màn hình chính trên LG Rollable có kích thước 6,8 inch, tương đương một chiếc smartphone dạng thanh. Sau khi cuộn, màn hình máy tăng kích thước lên 7,4 inch, với tỷ lệ rất giống một chiếc điện thoại gập. Điều này giúp trải nghiệm xem phim, giải trí trở nên tốt hơn đáng kể.

Ngoài âm thanh của motor, LG Rollable còn bổ sung thêm hiệu ứng âm thanh để quá trình cuộn mở trở nên thú vị hơn. Bên trong ứng dụng Cài đặt, mình có thể tuỳ chỉnh sang các hiệu ứng khác như Sóng, Giấc mơ hay Chuỗi.

Phía mặt lưng, LG Rollable cũng có thêm một phần màn hình khác, chiếm khoảng hai phần ba chiều rộng máy. Đây chính là phần màn hình cuộn của tấm nền phía trước. Giống với điện thoại gập dạng “vỏ sò” LG cũng cung cấp một số widget nhanh để truy cập trên phần màn hình này. Tất nhiên, người dùng cũng có thể tận dụng phần màn hình này làm khung xem trước cho camera sau.

Cơ chế cuộn mở

“Trái tim” của cơ chế gập mở trên LG Rollable là tấm nền màn hình P-OLED (Plastic OLED). Thay vì sử dụng lớp nền bằng kính như màn hình thông thường, LG dùng một lớp nền bằng nhựa (plastic) cực mỏng và dẻo. Điều này cho phép màn hình có thể uốn cong và cuộn lại mà không bị gãy hay hư hỏng.

Có thể thấy khá rõ phần mép của màn hình cuộn, nằm dưới lớp kính trên LG Rollable

Ở trạng thái thông thường, một phần màn hình sẽ nằm ở mặt trước, phần còn lại nằm ở mặt sau. Khi kích hoạt, motor bên trong sẽ xoay trục cuộn, từ từ “nhả” tấm nền màn hình ra khỏi thân máy theo một đường ray dẫn hướng.

Đáng nói, motor này hoạt động khá mạnh mẽ. Mình có thử đặt LG Rollable cạnh một chiếc MacBook Pro nặng khoảng 1,6 kg và giữ cố định một cạnh. Khi kích hoạt trạng thái mở, thiết bị có thể đẩy MacBook ra ngoài mà không gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, để màn hình khi mở ra có thể đứng thẳng và phẳng như một màn hình điện thoại thông thường, LG đã thiết kế một hệ thống khung đỡ đặc biệt ở mặt sau. Hệ thống này bao gồm nhiều thanh kim loại nhỏ, được kết nối với nhau theo dạng mắt xích hoặc khớp nối linh hoạt. Khi màn hình cuộn vào, các thanh này sẽ gập lại gọn gàng. Khi màn hình mở ra, chúng sẽ duỗi thẳng và khóa lại với nhau, tạo thành một bộ khung cứng cáp để đỡ lấy tấm nền.

Tất nhiên, phần màn hình được cuộn ra sẽ không được phẳng và chắc chắn như phần màn hình gốc. Nếu dùng các ngón tay ấn xuống, mình vẫn sẽ thấy độ lún nhất định, không được chắc và lì như thông thường. Bên cạnh đó, khi nhìn với góc nghiêng thích hợp, phần màn hình này cũng có phần nhấp nhô nhẹ, không phẳng hoàn toàn.

Qua trải nghiệm thực tế, khả năng cuộn mở trên LG Rollable hoạt động khá ổn trong phần nhiều trường hợp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp gặp vật cản hay nghiêng máy, cơ chế cuộn sẽ dừng lại và máy sẽ thu màn hình vào. Thêm vào đó, các ứng dụng bên trong máy vẫn còn tối ưu khá kém khi chuyển đổi trạng thái màn hình, dù sao đây là điều dễ hiểu vì đây chỉ là mẫu máy thử nghiệm, chưa chính thức.

Một số yếu tố khác

Ngoài cơ chế cuộn mở đầy thú vị, LG Rollable cũng sở hữu những yếu tố “chuẩn flagship” thời điểm 2021. Máy trang bị con chip Snapdragon 888 mạnh mẽ đến từ Qualcomm, đi kèm 12GB RAM và 256GB bộ nhớ trong. Thiết bị sở hữu hai camera sau với độ phân giải 64MP và 5MP, đi kèm camera trước có độ phân giải 12MP. Ngoài ra, LG Rollable được cài sẵn Android 11 (phiên bản không chính thức) và có pin 5.000mAh (theo đo đạc từ ứng dụng Device HW Info).

Tiếc là không được ra mắt

Dù hội tụ đầy đủ những yếu tố để trở thành một “bom tấn”, từ ý tưởng đột phá, cơ chế hoạt động đầy mê hoặc đến cấu hình phần cứng mạnh mẽ, số phận của LG Rollable lại không được như mong đợi. Tháng 4 năm 2021, LG quyết định đóng cửa bộ phận kinh doanh di động, qua đó đặt dấu chấm hết cho mọi hy vọng về sự ra mắt của chiếc máy này.

Việc LG Rollable chỉ dừng lại ở giai đoạn nguyên mẫu là một trong những nuối tiếc lớn nhất của thế giới công nghệ. Nó cho thấy sự sáng tạo không giới hạn và tầm nhìn đi trước thời đại của đội ngũ kỹ sư LG.

LG Rollable xuất hiện trong thời điểm thiết kế trên điện thoại không có nhiều đột phá trong thời gian qua. Ngay cả điện thoại gập cũng đã dần bão hoà về thiết kế hay cơ chế bản lề. Cá nhân mình đã từng sử dụng rất nhiều mẫu Galaxy Z Fold, Galaxy Z Flip hay thậm chí là các sản phẩm độc đáo như HUAWEI Mate XT hay HUAWEI Pura X. Nhưng, điểm chung của các thiết bị này đều là điện thoại gập. Xét về sự đột phá, mới lạ và “ngầu”, chúng vẫn chưa bằng điện thoại màn hình cuộn được.

Được cầm trên tay LG Rollable, dù chỉ là một phiên bản thử nghiệm chưa hoàn thiện, vẫn là một trải nghiệm vô cùng thú vị và mới mẻ. Đây không chỉ là một thiết bị điện tử, mà còn là minh chứng cho thấy ngành công nghiệp smartphone đã có thể phát triển như thế nào nếu có thêm những bước đi táo bạo. Tiếc rằng, LG Rollable đã mãi mãi lỡ hẹn với người dùng, để lại một khoảng trống và câu hỏi lớn về những gì đã có thể xảy ra.

Apple nâng cấp ứng dụng Tin nhắn trên macOS Tahoe 26 với loạt tính năng mới

Previous article

LG ra mắt màn hình 4K 31,5 inch: Chân đế Ergo siêu linh hoạt, tối ưu cho Mac, giá hơn 12 triệu đồng

Next article

Comments

Comments are closed.