Vật Vờ Đánh giáAI

Thử dùng ChatGPT để viết caption ảnh đăng Facebook: Đủ tâm trạng theo yêu cầu, rất hữu ích lúc “bí ý tưởng”

0

Kể từ khi xuất hiện, các chatbot AI như ChatGPT, Gemini cho đến Grok đã trở thành trợ thủ đắc lực cho người dùng trong nhiều nhu cầu khác nhau. Trong công việc, chatbot AI giúp soạn thảo email, hỗ trợ viết code hay thậm chí lên một kế hoạch markerting chi tiết. Còn trong đời sống, người dùng cũng có thể tận dụng trí tuệ nhân tạo trong những khía cạnh khác nhau. Một trong số đó là tạo caption cho ảnh để chia sẻ lên mạng xã hội (Facebook, Instagram, v.v…).

Trong bài viết này, mình sẽ sử dụng ChatGPT, một trong những chatbot AI phổ biến nhất để tạo caption cho ảnh để đăng tải lên các trang mạng xã hội. Mình cũng sẽ so sánh với Gemini và Grok để tìm ra công cụ làm việc tốt nhất.

Ứng dụng trong thực tế

Ý tưởng của bài viết này xuất phát từ một bài đăng trên Facebook của người mẫu Châu Bùi. Cụ thể, cô đã yêu cầu công cụ ChatGPT viết một đoạn caption ngắn cho bức ảnh chân dung của mình. Chỉ sau một thời gian ngắn đăng tải, bài viết đã nhận được 50 nghìn lượt bày tỏ cảm xúc cùng hơn 300 lượt chia sẻ, cho thấy mức độ quan tâm của người dùng đến công cụ này.

Người dùng có thể tận dụng ChatGPT, Gemini, Claude hay Grok để tạo caption cho ảnh trước khi chia sẻ lên các trang mạng xã hội. Công cụ này đặc biệt hữu ích trong trường hợp người dùng đang “bí ý tưởng”, không biết nên mô tả bức ảnh như thế nào sao cho phù hợp với cảm xúc hiện tại. Ngoài ra, người dùng còn có thể sử dụng chatbot AI để thay đổi văn phong cho bài viết, biến những dòng caption của mình trở nên mới lạ, độc đáo hoặc mang một màu sắc khác biệt so với thường ngày.

Dùng AI để viết caption ảnh đăng Facebook

Ở trường hợp đầu tiên, mình yêu cầu ChatGPT viết caption cho một bức ảnh phong cảnh để đăng Facebook. Công cụ hiểu rằng mình đang “bí ý tưởng”, vì thế đưa ra tới 4 caption khác nhau để mình lựa chọn.

Về cơ bản, chatbot AI sẽ phân tích chi tiết, màu sắc hay sắc thái của bức ảnh, từ đó nhận biết nội dung của bức ảnh và thông điệp mà người dùng muốn truyền tải. Sau khi ChatGPT trả lời, mình có thể yêu cầu chatbot thay đổi nội dung caption theo mong muốn, trong trường hợp này là caption ngắn gọn, nghệ thuật hơn.

Chuyển sang trường hợp tiếp theo, mình đưa trực tiếp yêu cầu “cần ngắn gọn, cần phong cách nghệ thuật” vào câu lệnh. ChatGPT khi này đưa ra duy nhất một dòng caption đi kèm biểu tượng cảm xúc ở cuối câu. Về cơ bản, caption này đáp ứng đúng mong muốn của mình: ngắn gọn, thể hiện được chủ đề trong bức ảnh (tuổi thơ – hai bạn trẻ) và nghe khá bắt tai.

Tất nhiên, người dùng có thể yêu cầu ChatGPT viết thêm caption nhằm phù hợp với các tâm trạng khác nhau. Chatbot dễ dàng thực hiện điều này khi cung cấp đủ mô tả từ tâm trạng vui vẻ, hoài niệm cho đến lãng mạn.

Ở đây, mình có so sánh khả năng tạo caption giữa ChatGPT, Gemini 2.0 Flash và Grok 3. Với cùng một câu lệnh, cùng một bức ảnh đầu vào, mình đánh giá ChatGPT làm tốt nhất khi caption có liên quan đến bức ảnh, đáp ứng yếu tố nghệ thuật khi có các hình ảnh ẩn dụ, mang tính nghệ thuật cao. Grok cũng đưa ra caption khá sát với bức ảnh, song cảm giác hơi “sáo rỗng”. Trong khi đó, các caption được Gemini đưa ra tập trung mô tả bức ảnh là chính, gần như không có yếu tố nghệ thuật bên trong.

Tương tự, người dùng cũng có thể lồng cảm xúc trực tiếp bên trong câu lệnh. Chẳng hạn, trong trường hợp này, mình muốn ChatGPT mô tả tâm trạng thật buồn của cảnh màn đêm lạnh lẽo.

Mình cũng thử so sánh với Gemini và Grok. Trong trường hợp này, Grok nhận dạng sai thời tiết khi đề cập “bầu trời trong xanh” (trong khi bức ảnh tả cảnh ban đêm). Gemini đưa ra rất nhiều tuỳ chọn khác nhau, song câu lệnh vẫn có phần “nông” và chưa mô tả được cảm xúc bên trong. Ở đây, mình vẫn đánh giá ChatGPT làm tốt nhất.

Tất nhiên, trong trường hợp các bạn trẻ cần một caption ngọt ngào để “thả thính”, các công cụ AI như ChatGPT cũng có thể đáp ứng tốt. Khả năng chơi chữ và gieo vần cũng được ChatGPT áp dụng khá tốt khi áp dụng cụm “bận… bận thích anh”. Tổng thể caption cũng đáp ứng được tâm trạng vui vẻ, tươi tắn của chủ thể bên trong bức ảnh.

Khi so sánh với hai chatbot còn lại, ChatGPT thể hiện khả năng tạo sinh ở mức ổn. Ở đây, mình lại đánh giá Gemini làm tốt nhất. Chatbot này đưa ra rất nhiều tuỳ chọn khác nhau, trong đó có những caption rất hay, sáng tạo trong cách chơi chữ (Chẳng hạn: “Nếu anh là một bài hát, em sẽ nghe anh mỗi ngày”) và đậm chất nghệ thuật.

Cuối cùng, trong những trường hợp ChatGPT đưa ra câu trả lời không như mong muốn, người dùng có thể khắc phục bằng cách “mồi” một caption khác. Trong trường hợp này, mình sẽ tìm một caption khác trên mạng, sau đó yêu cầu chatbot đọc và phân tích. Sau đó, yêu cầu ChatGPT áp dụng lối chơi chữ, gieo vần để tạo ra caption cho bức ảnh mà mình mong muốn.

Tạm kết

Có thể thấy, việc tận dụng ChatGPT, Gemini hay Grok để sáng tạo caption cho ảnh là hoàn toàn khả thi và mang lại những lợi ích thiết thực. Điều này càng trở nên ý nghĩa trong trường hợp các bạn trẻ mới chụp được một bức ảnh đẹp, muốn đăng ngay mạng xã hội nhưng “bí ý tưởng”, không biết mô tả sao cho hấp dẫn.

Trong số ba chatbot được sử dụng trong bài viết này, mình đánh giá ChatGPT toàn diện nhất khi đưa ra các caption sát với bức ảnh gốc và tận dụng được các yếu tố gieo vần, chơi chữ nhằm tạo khác biệt. Cũng cần nhớ rằng, các kết quả mà công cụ này đưa ra chỉ mang tính tham khảo, người dùng không nên lạm dụng quá mức.

OPPO hé lộ bộ ba Find X8 Ultra, Find X8s+ và X8s: Thiết kế rất đẹp, sẽ ra ngay trong tuần sau

Previous article

Xiaomi ra mắt rèm cửa thông minh có thiết kế tối giản, hỗ trợ điều khiển bằng app, giá 2,1 triệu đồng

Next article

Comments

Comments are closed.